Khám phá dấu ấn Việt Nam trong hành trình di sản của Louis Cottier
Exploring the Vietnamese Mark in the Legacy Journey of Louis Cottier
Trong kế hoạch ban đầu, tôi đã lựa chọn trung tâm Geneva làm nơi dừng chân chính, nhưng một sự kiện bất ngờ đã thay đổi mọi kế hoạch. Trong những ngày cận kề của sự kiện Watch&Wonder 2024, phòng khách sạn tại Geneva mà tôi đặt trước bỗng chốc bị hủy không lý do, khiến tôi phải đối mặt với tình thế bất khả kháng. Như sự sắp đặt của số phận, tôi đã ở tại Carouge - mảnh đất chứng kiến những bước đi đầu tiên và cũng là nơi nghỉ ngơi cuối cùng của nghệ nhân đồng hồ tài ba Louis Cottier.
Trong thế giới của những người sành đồng hồ, cái tên Louis Cottier không chỉ là một nghệ nhân - mà còn là một huyền thoại. Ngoài chế tạo đồng hồ, ông còn sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Với tâm huyết và niềm đam mê không ngừng nghỉ, Ngài Cottier đã đưa ra thị trường chiếc đồng hồ World Time, kỳ quan kỹ thuật cho phép chủ nhân của nó theo dõi thời gian ở mọi khu vực trên thế giới. Hành trình của tôi - chuyến đi theo dấu chân của nghệ nhân vĩ đại, đã đưa tôi đến Zurich nơi tôi đã thăm bảo tàng Beyer, về Carouge - nơi ông sinh ra và từ giã cõi đời, và cuối cùng là bảo tàng Patek Philippe, nơi lưu giữ những di sản vô giá của ông.
Louis Cottier, sinh năm 1894 tại Carouge, đã từng là tâm điểm của giới chế tác đồng hồ Thụy Sĩ. Ông được biết đến nhiều nhất với việc phát triển cơ chế hiển thị múi giờ toàn cầu cho đồng hồ đeo tay. Cơ chế này cho phép người dùng xác định thời gian ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới thông qua đĩa xoay bên ngoài mặt số. Khi ngài Cottier qua đời năm 1966, những chiếc đồng hồ World Time ngày nay vẫn là sự kế thừa từ phát minh của ông, tiếp tục là niềm tự hào của ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ.
Phần 1: Giờ Thế Giới và Dấu Ấn Việt Nam - GMT+7 Qua Lăng Kính Louis Cottier Tại Bảo Tàng Beyer
Tại Bảo tàng Beyer Zurich, sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật, lịch sử và sự sáng tạo đặc biệt được thể hiện qua mỗi chiếc đồng hồ được trưng bày. Dành thời gian tại đây, chúng ta có thể cảm nhận được sự huyền bí của những chiếc đồng hồ World Time - sáng tạo của nghệ nhân Louis Cottier, sự tài hoa của thương hiệu Patek Philippe hay sự khéo léo đến từ những tác phẩm của ngài George Daniels và ngài Svend Andersen.
Hai chiếc đồng hồ đặc biệt – những tác phẩm của ngài Louis Cottier và Patek Philippe – nằm trang nghiêm trong khung kính. Những chiếc đồng hồ này không chỉ thể hiện thời gian ở các múi giờ khác nhau mà còn phản ánh một thời đại của sự sáng tạo không giới hạn trong nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Tôi đứng đó, chiêm ngưỡng từng chi tiết tinh xảo, những đường nét hoàn hảo của mặt số, tưởng tượng về phức tạp của cơ chế bên trong mỗi chiếc đồng hồ, và nhất là, sự kết hợp tài tình của nghệ thuật chế tác đồng hồ cơ khí phức tạp với nghệ thuật cloisonné - kỹ thuật mà trong đó những dây vàng mảnh được dùng để tạo ra những ngăn nhỏ, nơi chất liệu men được đặt vào, tạo nên tác phẩm sống động và rực rỡ. Những bức ảnh chụp lại khoảnh khắc này không chỉ là chứng nhận của một trải nghiệm, mà còn là lời kể lại về sự kiên nhẫn, đam mê, và tài năng tuyệt vời đã đưa các tác phẩm này từ xưởng chế tác đến với thế giới.
Quá trình sản xuất đồng hồ World Time của Patek Philippe bắt đầu từ năm 1937, là kết quả cho mối quan hệ hợp tác giữa thương hiệu Patek Philippe và Nghệ Nhân Louis Cottier, nơi mỗi chiếc đồng hồ không đơn thuần chỉ là sản phẩm mà còn là tác phẩm nghệ thuật. Chiếc đồng hồ để bàn có chức năng Worldtime và điểm chuông ra đời năm 1938 minh chứng cho vẻ đẹp không tuổi và bất biến. Các chi tiết trên mặt số như biểu tượng mặt trời và mặt trăng, bức tiểu hoạ được thực hiện bằng men cloisonné bao bọc thân đồng hồ thể hiện hình ảnh những hải trình vượt đại dương qua các lục địa, vẻ đẹp của từng đường nét kim chỉ giờ, tất cả đều là kết quả của quá trình làm việc tỉ mỉ và đầy đam mê.
Chiếc đồng hồ bỏ túi Patek Philippe Ref. 605 HU được sản xuất từ năm 1946, là tác phẩm nghệ thuật thực sự với mặt số được trang trí bằng men cloisonné rực rỡ. Được thiết kế bởi ngài Louis Cottier, chiếc đồng hồ này có vòng tròn 24 giờ và đĩa có tên các thành phố hiển thị 24 múi giờ trên thế giới. Sự phức tạp của thiết kế này được tăng cường bởi bề mặt men cloisonné, kỹ thuật cầu kỳ mà mỗi bước thực hiện đều có nguy cơ làm hỏng tác phẩm, từ việc men có thể biến màu cho đến nứt vỡ. Tuy nhiên, khi hoàn thành, chúng phô diễn sự sống động của màu sắc có thể kéo dài hàng thế kỷ.
Một trong những điểm ấn tượng nhất đối với tôi hay với bất kỳ người Việt Nam khi chiêm ngưỡng hai chiếc đồng hồ này đó là sự hiện diện của Saigon tại múi giờ GMT+ 7, thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thời gian thế giới.
Phần 2: Định Mệnh Dẫn Lối đến Carouge
Trong kế hoạch ban đầu, tôi đã lựa chọn trung tâm Geneva làm nơi dừng chân chính, nhưng một sự kiện bất ngờ đã thay đổi mọi kế hoạch. Trong những ngày cận kề của sự kiện Watch&Wonder 2024, phòng khách sạn tại Geneva mà tôi đặt trước bỗng chốc bị hủy không lý do, khiến tôi phải đối mặt với tình thế bất khả kháng. Như sự sắp đặt của số phận, tôi đã ở tại Carouge - mảnh đất chứng kiến những bước đi đầu tiên và cũng là nơi nghỉ ngơi cuối cùng của nghệ nhân đồng hồ tài ba Louis Cottier.
Carouge, với những con phố mòn gạch đỏ và hàng cây rợp bóng, đã vô tình chào đón tôi trong sự ấm áp và bí ẩn của nó. Có lẽ, như trong "Nhà Giả Kim" của Paulo Coelho, vũ trụ đã âm thầm dẫn dắt tôi đến đúng nơi tôi cần đến. Một sự chuyển tiếp không thể ngờ, đầy ẩn ý, đã mở ra chương thứ 2 sau chuyến du ngoạn bảo tàng Beyer Zurich của cuộc hành trình.
Nhìn từ cửa sổ khách sạn Ibis Carouge, toàn cảnh thành phố trải ra như bức tranh sống động, Carouge tựa như ngôi làng nhỏ ẩn mình giữa lòng thành phố đương đại. Nắng sớm le lói qua khe cửa, xua đi cái lạnh của đêm, và mang đến ngày mới tràn ngập hứa hẹn. Cuộc sống dần nhộn nhịp, xe cộ bắt đầu lăn bánh trên đường, người dân bắt đầu ngày làm việc của mình. Cảnh vật mỗi sớm mai tại đây không chỉ đẹp đẽ mà còn mang một nét yên bình khó tả, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện. Quả thật, không gì có thể sánh được với cảm giác thức giấc và ngắm nhìn Carouge từ khung cửa sổ của khách sạn.
Con đường dẫn đến Parc Louis Cottier chỉ cách khách sạn vài phút đi bộ, nằm yên bình sau hàng cây sồi cổ thụ, những cành lá đang bắt đầu đâm chồi nảy lộc, như biểu tượng của sự sống bất tận. Ở Carouge, nơi thời gian dường như lắng đọng, tôi đứng lặng trước công viên Louis Cottier, một không gian xanh mướt và yên bình, được đặt tên theo người nghệ nhân có nhiều đóng góp cho nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.
Đứng đó, bên cạnh quả địa cầu hình nón bằng đồng, tôi không khỏi suy ngẫm về sự vận động không ngừng của thời gian và những chuyển biến mà nó mang lại cho chúng ta. Quả địa cầu này là đồng hồ mặt trời - thiết bị cổ xưa dùng để xác định thời gian bằng cách sử dụng vị trí của mặt trời. Bóng của thanh kim (gọi là gnomon) sẽ di chuyển và rơi trên các đường chỉ giờ, cho thấy giờ trong ngày. Tấm bảng "Equation du Temps" hoặc "Phương trình thời gian" là bảng tham chiếu sử dụng trong đồng hồ mặt trời để điều chỉnh sự chênh lệch giữa "thời gian mặt trời thật" (còn gọi là thời gian mặt trời địa phương) và "thời gian mặt trời trung bình" (thời gian theo đồng hồ). Do hình dạng quỹ đạo elip của Trái Đất quanh Mặt Trời và sự nghiêng của trục quay của Trái Đất, thời gian mặt trời thật (thời gian từ khi mặt trời ở điểm cao nhất trên bầu trời từ ngày này sang ngày khác) không đồng đều. Tấm bảng này giúp người đọc có thể xác định thời gian chính xác hơn. Cụ thể vào thời điểm tôi chụp bức ảnh này là 9.51 phút sáng áp dụng giờ tiết kiệm ánh sáng/ giờ mùa hè (ký hiệu: DST – điều chỉnh + 1 giờ so với giờ địa phương, áp dụng từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 11) so sánh với giờ hiển thị trên đồng hồ mặt trời/ giờ địa phương khoảng 8.56 phút và trừ đi theo phương trình thời gian khoảng 3 đến 4 phút cho kết quả cận chính xác (sai lệch chỉ từ 1 đến 3 phút).
Tại Carouge, tôi cảm nhận được sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi góc phố, mỗi tòa nhà cổ kính, như là Bảo tàng Carouge, đều như đang kể về quá khứ huy hoàng của ngành chế tác đồng hồ. Dù đã mất, nhưng tinh thần của ngài Louis Cottier vẫn còn đây, như một phần không thể tách rời của thành phố này. Tôi đã dành khoảnh khắc yên bình ở công viên Louis Cottier, bên những hàng cây được tỉa tót cẩn thận và không gian xanh mát làm dịu lòng người. Ngồi trên chiếc ghế đá, tôi tận hưởng không khí trong lành và ánh nắng nhẹ nhàng vương vấn trên lá cỏ, hít thở chậm để hòa mình vào dòng chảy của thời gian vô tận.
Phần 3: Kết nối di sản – Dấu chân Louis Cottier trong dòng chảy thời gian tại bảo tàng Patek Philippe tại Geneva.
Vào mỗi dịp đến Geneva, việc thăm Bảo tàng Patek Philippe đã trở thành thói quen trong lịch trình của tôi. Đây không chỉ là nơi tôi có thể thưởng ngoạn những tác phẩm đồng hồ độc đáo, mà còn là nơi tôi kiếm tìm mảnh ghép cho bức tranh tổng thể, và lần này là mảnh ghép mang tên: Ngài Louis Cottier.
Bảo tàng trưng bày các mẫu đồng hồ đại diện cho từng thời kỳ lịch sử, từ những chiếc đồng hồ cổ điển cho đến những phiên bản đồng hồ cận đại, từ những chiếc đồng hồ đơn giản đến phức tạp nhất, mỗi chiếc đều kể lên một câu chuyện riêng. Mỗi khi bước qua cánh cửa của bảo tàng, tôi như lạc vào thế giới khác, nơi thời gian như đã ngừng trôi để nhường chỗ cho giây phút trầm lắng của sự ngưỡng mộ và khám phá.
Ở nơi đây, từng chiếc đồng hồ là một điểm dừng chân trên hành trình lịch sử, mỗi mặt số như một trang sách viết đầy những câu chuyện mà chỉ có thời gian mới có thể kể hết. Trong khung cảnh trầm mặc của bảo tàng, dấu ấn của ngài Louis Cottier được tỏa sáng tại tủ số 43 và 44. Phần đa những chiếc đồng hồ Patek Philippe Worldtime được sản xuất từ giai đoạn 1930 – 1960 đều được coi là tác phẩm quý hiếm khi được gắn liền với nghệ nhân Louis Cottier. Và những chiếc đồng hồ được sản xuất trong khoảng thời gian này sẽ không thể thiếu sự xuất hiện của địa danh Saigon tại múi giờ GMT+7, nay đã trở thành biểu tượng khi nhắc đến Patek Philippe Vintage Worldtime. Đây không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà còn là niềm hy vọng về một tương lai mà trong đó, mỗi chiếc đồng hồ World Time là một công cụ xác định thời gian đồng thời là thông điệp văn hóa, câu chuyện của hòa bình và cảm hứng Việt Nam.
Từ sự tinh tế của Bảo tàng Beyer ở Zurich, qua những giờ phút trầm lắng bên Parc Louis Cottier tại Carouge, đến vẻ đẹp tráng lệ của Bảo tàng Patek Philippe ở Geneva, hành trình của tôi giống như cuộc du hành xuyên qua lịch sử của thời gian, mỗi địa điểm đều mang những mảng màu riêng để tô điểm thêm cho câu chuyện về đồng hồ World Time và người nghệ sĩ kiệt xuất Louis Cottier.
Ở Zurich, giữa những tác phẩm kỹ thuật sống động, tôi thấy mình bị cuốn hút vào những trang sử khi Louis Cottier còn làm việc cùng Stern Frères, tạo nên những tác phẩm để đời. Tại Carouge, không gian yên tĩnh đã gợi mở cho tôi sự gắn kết giữa Cottier và quê hương ông, nơi mà tinh thần sáng tạo và niềm đam mê đồng hồ đã được nuôi dưỡng.
Và cuối cùng, trong lòng Geneva, Bảo tàng Patek Philippe như thiên đường thu nhỏ, nơi tôi có thể chiêm ngưỡng những chiếc đồng hồ World Time mang múi giờ Saigon. Những chiếc đồng hồ này không chỉ là Gia Bảo mà còn là nguồn cảm hứng cho những giấc mơ lớn, hứa hẹn rằng cảm hứng từ Việt Nam sẽ ngày càng được ghi nhớ và ngợi ca trong lòng của những người yêu quý thời gian và trân trọng lịch sử.