
Chuyến ghé thăm Việt Nam của nghệ nhân Stefan Kudoke
Thời gian trôi nhanh đến mức nào?
Cứ hỏi người vừa lỡ chuyến tàu cuối để kịp về quê ăn Tết: một phút trên sân ga dài như cả quãng đường về nhà. Hỏi vận động viên vừa chạm vạch đích: khoảnh khắc tiếng còi vang lên gói trọn cả đời khổ luyện. Có khi một giờ nhẹ như hơi cà phê nóng, có khi nặng trĩu bởi lời chia tay buột miệng. Và bốn mươi tám giờ của vợ chồng nghệ nhân đồng hồ Đức — Anh Stefan Kudoke và Chị Ev Kudoke — ở Sài Gòn cũng vậy: vụt qua như cơn gió nhưng để lại những kỉ niệm khó quên.
Phần 1: Một ngày thực tập tại “Atelier” cùng thương hiệu đồng hồ Kudoke
Lần đầu với cà phê trứng
Sáng 14 ⁄ 6, anh chị đáp xuống Tân Sơn Nhất. Mùa du lịch cao điểm khiến quầy nhập cảnh ken đặc; gần hai tiếng chen hàng làm nét tươi tỉnh trên gương mặt họ phai bớt. Cánh cửa trượt cuối cùng mở ra, chúng tôi chỉ kịp chào và đẩy vội hành lý lên chiếc xe chờ sẵn.
Điểm dừng đầu tiên không phải khách sạn mà là một quán nhỏ trong hẻm quận 1, nơi dân nghiện cà phê thì thầm “chỉ dành cho người nhà”. Châu Âu dư thừa espresso, nhưng cà phê Việt Nam là một thế giới riêng. Ba ly cà phê trứng bưng ra, bọt vàng óng sánh dày; chúng tôi cụng ly, bọt vương mép nom vừa buồn cười vừa ấm áp. Tiếng cười rộ lên – khoảnh khắc giản đơn đủ xua tan mệt mỏi còn sót lại từ chuyến bay dài. Tôi đùa: lớp bọt mềm này không khác lớp đánh bóng cuối trên một cầu cân bằng Kaliber 1 — đều, mượt và ngọt hậu.
Phỏng vấn, bánh mì và dòng chảy câu chuyện
Về khách sạn thay áo chưa đầy nửa giờ, 14 h chúng tôi đã hẹn phóng viên World of Watch Việt Nam. Bánh mì pate nóng giòn thành “bộ dưỡng cót” khẩn cấp: gọn, nhanh, đủ chất. Suốt ba tiếng, Anh Jason Đặng và Lương Tôn Bình hỏi dồn từ triết lý “1400 chiếc trong 20 năm” đến kim nung xanh, cạnh vát tay, anglage hoàn thiện ra sao. Anh Stefan kiên nhẫn mổ xẻ từng chi tiết, chị Ev thỉnh thoảng bổ sung. Ánh mắt họ mỗi lúc một sáng hơn, như thể được nạp thêm năng lượng từ chính sự tò mò của người đối diện. Tôi nhìn đồng hồ: kim phút vẫn chạy, nhưng với anh chị dường như thời gian tạm dừng.
Dạo quanh hai bờ Sài Gòn
Tối đó, chúng tôi vòng qua Bitexco, Landmark 81, bến Bạch Đằng, tượng Bác ở đường Nguyễn Huệ, rồi ghé Bến Nhà Rồng nơi Người ra đi tìm đường cứu nước. Sài Gòn vẫn giữ hồn xưa, nhưng nhịp phát triển gấp gáp: nhà cao tầng mọc liên miên, màn LED khổng lồ bên kia sông đổi sắc liên tục, đổ ánh sáng hiện đại xuống những mái ngói cũ lấp loáng. Anh Stefan lặng người ngắm, chị Ev thốt lên: “Fifteen years ago there was almost nothing this tall.” Thành phố đổi thay nhanh đến mức du khách thấy mình lạc vào một thành phố khác.
Ảnh: NAG HaiPiano Nguyen
Chúng tôi chọn một nhà hàng đủ cao để ngắm những ánh đèn xe di chuyển tấp nập, thời gian trôi nhanh gấp ba. Gần 23 h, bữa tối khép lại; anh chị chỉ còn vài tiếng để chợp mắt, nhưng nét hứng khởi chưa hề suy giảm – có lẽ nhờ nhịp thành phố vẫn đập rộn ràng, cuốn theo dòng nhiệt huyết của tất cả chúng tôi.
Cà phê sáng và những câu hỏi kỹ thuật
Sáng 15 ⁄ 6, buổi cà phê thứ hai bắt đầu lúc 8 h 30 tại cửa hàng tại Quận 1. Một số khách mời từ Hà Nội bay vào chỉ để đeo thử Kudoke 5. Anh Đặng Văn Trường – thợ sửa đồng hồ cộng đồng gọi “Trường Omega” – đặt loạt câu hỏi hóc búa: tại sao vẫn dùng dây tóc Nivarox thay vì silicon? Vì sao chọn chống sốc KIF cổ điển thay Incabloc? Anh Stefan kiên nhẫn vặn núm, thị phạm tường tận. Ở một góc khác, chị Ev trò chuyện cùng khách về thiết kế mặt số Infinity, về triết lý “nhỏ nhưng sâu”.
Hai vị khách nhí và hạt mầm đam mê
Đúng 13 h 30, quãng nghỉ ngắn trở thành sân chơi cho cô bé mười tuổi và cậu bé tám tuổi. Hai em chỉ ngay vào Kudoke Infinity và Kudoke 5 – cũng là hai mẫu đắt nhất. Người bố cười lớn: “Con hãy học đầu tư từ giờ để sau này có thể mua được món đồ mình mong ước”. Trong đôi mắt trẻ, tôi thấy lấp lánh một thứ hạt mầm: tình yêu cái đẹp và sự trân quý lao động thủ công.
Từ Hong Kong, một nhà sưu tầm mang chiếc Kudoke SJX Edition ghé qua, kéo cuộc trò chuyện sang chủ đề limited series, giải GPHG. Câu chuyện nối câu chuyện, hệt như răng cưa bánh xe bắt khớp nhịp nhàng.
Bữa tối thân mật bên sông Sài Gòn
18 h, khách mời lần lượt đến, tiếng chào hòa vào mùi hoa sen trên khăn bàn. 19 h, mười sáu chiếc ghế kín. Ánh đèn cầu Thủ Thiêm 2 loang xuống mặt sông, phủ bữa tiệc gam vàng ấm. Câu chuyện xoay quanh dây tóc thép, cạnh vát tay, xen lẫn tiếng cười khi thợ Đức – Việt phát hiện “ngôn ngữ đồng hồ” không cần phiên dịch.
Đang xúc thìa kem đầu tiên, tôi chợt khựng lại: thời gian dường như bốc hơi, nhẹ như sương. Tôi trao anh Stefan bông sen quỳ cuối bình. Anh cúi tặng ngay cho chị Ev; mọi người ồ lên thích thú. Không hồng, không lan, mà sen — loài hoa nở khỏi bùn, thanh khiết, kiên nhẫn như hành trình ngắn mà sâu của họ ở đây. Khoảnh khắc ấy, tôi hiểu: ý tưởng Việt Nam-inspired chúng tôi ấp ủ lâu nay vừa có thêm chất liệu "xúc giác".
Một lời hẹn không đề ngày
Tiễn anh chị ra xe, tôi nhớ Parc Louis Cottier ở Carouge và cái tên “Saigon” từng in trên mặt số Patek Philippe World Time do Louis Cottier thiết kế. Tôi mong một ngày không xa, sẽ có thêm những chiếc đồng hồ được lấy cảm hứng từ Việt Nam, do chính bàn tay nghệ nhân chế tác, sánh bước lên sàn đấu giá quốc tế. Chất lượng, câu chuyện và chút duyên may – đủ để một chiếc đồng hồ sinh ra ở đây được trân trọng suốt nhiều thế hệ.
Thời gian, rốt cuộc, nằm ở đâu?
Thời gian trôi nhanh hay chậm là do mình đặt trái tim vào đâu. Gặp đúng người, làm việc mình yêu, bốn mươi tám giờ nhẹ như hơi gió sông Sài Gòn sau cơn mưa – dư âm còn ngân mãi. Ngồi sai chỗ, nói điều trái lòng, một vòng kim giây nghe nặng như kéo cả buổi chiều xám xịt. Vậy nên câu trả lời không nằm ở con số trên mặt số, mà ở nơi ta đặt trái tim.
Nguyễn Minh Hiệp (KIM)